English version

       เวอร์ชั่นภาษาไทย

Documents
Presentation
See also:
 

ỦY BAN KIỂM SOÁT MA TÚY QUỐC TẾ (The International Narcotics Control Board): CẦN NỖ LỰC HƠN NỮA PHÒNG NGỪA LẠM DỤNG MA TÚY

Vienna, 24 tháng 2 năm 2010 (Trung tâm thông tin Liên Hợp Quốc) - Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB) tại Vienna khuyến cáo cần chú trọng đặc biệt tới các hoạt động phòng ngừa lạm dụng ma túy, nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều hành động và cam kết thực hiện hơn nữa.

Các biện pháp phòng ngừa và giảm lạm dụng ma túy ở người không sử dụng ma túy và người chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng - được gọi là phòng ngừa cấp 1 - là nội dung chính của chương mở đầu trong Báo cáo thường niên năm 2009 của INCB, chính thức ra mắt ngày hôm nay tại Vienna, Áo.

Báo cáo nêu lên những lý do xác đáng cần toàn thể xã hội cùng quan tâm phối hợp phòng chống lạm dụng ma túy. Nhìn từ phương diện cá nhân, rõ ràng chỉ một lần duy nhất sử dụng ma túy cũng có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng khôn lường như bị tổn thương hoặc quá liều. Nhìn từ góc độ xã hội, lạm dụng ma túy là nguyên nhân gây ra tổn thất đáng kể về kinh tế do phải tăng chi phí cho các hoạt động hành pháp, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe và do giảm năng suất lao động. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, xấp xỉ 1% dân số thế giới có sức khỏe kém là do lạm dụng ma túy, thậm chí tỉ lệ này tại các nước phát triển lên tới 2,3%.

Báo cáo lưu ý lạm dung ma túy ở thanh thiếu niên có xu hướng chiếm tỉ lệ cao hơn. Trước đây, người trưởng thành cũng sẽ không dùng ma túy khi chưa một lần thử ở tuổi niên thiếu. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số quốc gia, ngày càng có nhiều trường hợp bắt đầu sử dụng ma túy lần đầu ngay ở tuổi thiếu niên. Kết hôn và lập gia đình cũng có góp phần thuyên giảm lạm dụng ma túy nhưng đó là chuyện về sau và chỉ xảy ra ở một số cộng đồng. Một xu hướng mới nữa là ngày càng có nhiều phụ nữ lạm dụng ma túy, thu hẹp đáng kể tỉ lệ chênh lệch giữa phụ nữ với nam giới sử dụng ma túy.

Tình hình khu vực Đông Á và Đông Nam Á

Sau khi đạt được những tiến bộ vượt bậc, năm 2008 các quốc gia trong khu vực đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc cắt giảm diện tích trồng cây thuốc phiện trái phép, cụ thể diện tích trồng cấy thuốc phiện đã tăng 3,3% so với năm 2007. Buôn bán methamphetamine và sản xuất trái phép MDMA ("thuốc lắc") cũng tăng lên. Lần đầu tiên trong một vài năm trở lại đây,đã có báo cáo ghi nhận việc sản xuất trái phép chất gamma-Hydroxybutyric axit (GHB).

Tại Trung Quốc, một số sản phẩm có chứa hỗn hợp ma túy tổng hợp đã bị thu giữ, như viên nén có chứa methaqualone và ephedrine ở khu vực Nội Mông. Hỗn hợp GHB, MDMA và ketamine đóng chai dán nhãn "thuốc ho cổ truyền" đã bị bắt giữ và tịch thu ở khu vực Quảng Tây.

Tội phạm buôn bán ma túy sử dụng các trang web trên mạng để tìm kiếm, tuyển lựa phụ nữ tại khu vực Đông Nam Á làm người vận chuyển ma túy cho chúng. Đối tượng mà chúng hướng tới là những phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 20-30 không có tiền án tiền sự, không có công ăn việc làm hoặc đang làm công việc bàn giấy, bán hàng và dịch vụ.

Sản xuất, buôn bán trái phép và lạm dụng ketamine, một chất ma túy không đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, đang trở thành một vấn đề nổi cộm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, năm 2007 đã có tới 44 cơ sở sản xuất ketamine đã bị triệt phá.

Năm 2008, hầu hết các quốc gia tại khu vực Đông và Đông Nam Á đều tiếp tục báo cáo thu giữ chất methamphetamine; Trung Quốc thu giữ 6,2 tấn, Philipin 855kg (trong khi năm 2007 chỉ là 369kg), Thái Lan thu giữ 22 triệu viên nén methamphetamine, tăng đáng kể so với con số 14 triệu viên của năm 2007.

Lượng cây cần sa bị thu giữ tại Philipin cũng tăng đáng kể (từ 2,5 triệu cây trong năm 2007 lên gần 4 triệu cây trong năm 2008). Tương tự với cần sa (từ 1,2 tấn năm 2007 lên 3,7 tấn năm 2008).

Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc báo cáo đã thu giữ được lượng cần sa lớn nhất trong một vài năm trở lại đây.

Tình hình khu vực Châu đại dương

Tình trạng vận chuyển trái phép tân dược có chứa pseudoephedrine vào New Zealand tăng lên đáng kể. Năm 2008, số lượng viên nén pseudoephedrine bị thu giữ nhiều gấp 13 lần năm 2002.. Hầu hết việc vận chuyển trái phép là do các nhóm tội phạm gốc Á tại New Zealand tổ chức tiến hành bằng việc lợi dụng sinh viên gốc Á và khách du lịch làm người nhận hàng cho chúng. Trung Quốc trở thành đầu mối cung cấp viên nén pseudoephedrine bị thu giữ tại New Zealand còn Fiji, Papua New Guinea và Tonga trong số các quốc gia khác tại khu vực là các nước trung chuyển.

Mặc dù đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực để đối phó với vấn đề ma túy, tỷ lệ các quốc gia Châu Đại dương tham gia công ước quốc tế về phòng chống ma túy còn thấp và do vị trí địa lý nằm gần khu vực sản xuất trái phép các chất ma túy của Đông Nam Á đã khiến các quốc gia này dễ bị lợi dụng tiến hành các hoạt động buôn lậu ma túy. Ủy Ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB) một lần nữa đề nghị chính phủ các nước trong khu vực gia nhập các công ước quốc tế về phòng chống ma túy.

Tại báo cáo, INCB cũng kêu gọi chính phủ tất cả các nước sớm thực thi nghị quyết 52/8 của Ủy ban Ma túy (CND) và đề cao cảnh giác với sự gia tăng đáng quan ngại việc sử dụng chất gây mê trong các vụ hò hẹn để hãm hiếp. Báo cáo cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác với ngành công nghiệp dược phẩm và kêu gọi các quốc gia cần tăng cường xúc tiến sự hợp tác này trong công tác phòng chống ma túy.